Những điều cần biết về học bổng hoặc hỗ trợ tài chính toàn phần tại Mỹ

Sự khác nhau giữa học bổng và hỗ trợ tài chính, vài lời khuyên về việc làm thể nào để có được học bổng hay hỗ trợ tài chính toàn phần.

Những điều cần biết về học bổng hoặc trợ cấp tài chính toàn phần tại Mỹ

Hàng năm, các bạn vẫn nghe tin bạn này được du học không mất đồng nào, bạn kia chỉ phải trả 5 ngàn đô một năm, trong khi chi phí ở các trường tốt lên tới 50-60 ngàn đô một năm. Hẳn bạn rất muốn biết họ làm thế nào?

1. Học bổng toàn phần

Nhìn chung, có được học bổng toàn phần (full scholarship) tại Mỹ không phải là điều dễ dàng bởi hai lý do: thứ nhất, không nhiều trường đại học ở Mỹ cấp học bổng toàn phần cho sinh viên quốc tế, và thứ hai, để được học bổng toàn phần, hồ sơ xin học của bạn phải thật sự nổi bật.

Tuy nhiên, có một cách khác để được miễn toàn bộ học phí hoặc thậm chí gần như không phải trả tiền ăn ở, đó là xin hỗ trợ tài chính toàn phần từ những trường có chính sách “need blind” và “meet full need”.

Điều kiện tối thiểu để được xét học bổng 

Học bổng thường được trao dựa trên thành tích học tập của sinh viên hoặc những yếu tố khác như khả năng lãnh đạo, hoạt động ngoại khóa…. Thông thường, để nhận được học bổng toàn phần, sinh viên phải thực sự nổi bật vềmọi mặt, đáp ứng được những “điều kiện cần” như điểm SAT cao (trên 2,100, hoặc trên 1400 cho 2 phần CR và Math), TOEFL iBT trên 100 hoặc IELTS tương đương, đặc biệt là điểm GPA phải rất cao (trên 8.5) hoặc tốt nghiệp từ một trường phổ thông trung học danh tiếng. Ngoài ra, bạn sẽ tăng cơ hội nếu bạn có tài năng đặc biệt, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, đã đạt giải thưởng thể thao, văn hóa hay nghệ thuật, đã từng lãnh đạo hay sáng lập một tổchức, đã vượt qua những khó khăn, thử thách lớn, có những thành tích đặc biệt. Điều quan trọng cuối cùng là bạn phải làm toát lên được những điểm đặc sắc của mình và chứng tỏ mình là người có tư duy độc đáo (original thinker) qua các bài luận khi làm hồ sơ.

Ngay cả khi đã có những yếu tố trên, việc có được học bổng toàn phần là rất khó vì rất ít trường cấp học bổng toàn phần cho sinh viên quốc tế. Và nếu có, mỗi năm cũng chỉ có 1-2 xuất cho sinh viên từ mỗi nước (ví dụ như chương trình học bổng Freeman Scholar tại trường Wesleyan University, học bổng Richmond Scholar của trường University of Richmond).

2. Hỗ trợ tài chính toàn phần

Nhiều người nhầm lẫn giữa khái niệm học bổng và hỗ trợ tài chính. Học bổng được trao chủ yếu dựa trên thành tích học tập mà không liên quan đến khả năng tài chính của sinh viên, trong khi hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên không đủ điều kiện chi trả cho việc học. Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn học giỏi nhưng gia đình khá giả thì bạn vẫn sẽ phải trả toàn bộ học phí nếu không xin được học bổng.

“Need-blind” và “meet full need” là gì?

Một cách khác để không phải trả học phí hoặc trả ít là nộp đơn vào những trường có chính sách “need-blind” và “full need”.

“Need-blind” là tên gọi của chính sách nhận học sinh hoàn toàn dựa vào hồ sơ mà không cân nhắc khả năng tài chính.  Nếu nhà trường có thêm chính sách “full need” thì tức là khi bạn được nhận rồi bạn sẽ nộp thông tin tài chính và phần chi phí nào bạn  không thể trả nhà trường sẽ trợ cấp toàn bộ. Khoản hỗ trợ này có thể bao gồm học bổng (scholarship), trợ cấp (financial aid), việc làm thêm (part-time job) hay trợ giảng (assistantships).

Theo thống kê gần đây nhất của U.S. News thì ở Mỹ có 64 trường có chính sách “meet full need”. Một số ví dụ điển hình về các trường đại học ở Mỹ có chính sách need-blind và full-need cho sinh viên quốc tế, bao gồm Amherst CollegeDarthmouth CollegeHavard UniversityMITPrinceton University và Yale University.

Golden Path Guide cũng có một danh sách những trường hiện nhận là họ có chính sách “full need”. Mời các bạn tham khảo tại đây.

“Need-aware” và “Need sensitive” là gì?

Ngược lại với “need-blind” là chính sách “need-aware” hoặc “need sensitive” mà càng ngày càng nhiều trường hạng ưu ở Mỹ đã áp dụng trong những năm gần đây. Chính sách này có nghĩa là khi xét hồ sơ nhập học, trường thường yêu cầu bạn nộp các giấy tờ tài chính song song với đơn xin học và họ sẽ xem xét yếu tố khả năng tài chính khi quyết định có nhận bạn hay không. 

Với những trường có chính sách này, thì không phải ai có khả năng tài chính cao là sẽ được nhận nhưng khi nhiều sinh viên quốc tế có hồ sơ xin học nổi bật thì  khả năng tài chính của sinh viên là yếu tố có thể tăng sự cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không nên khai mang khả năng tài chính của mình để được nhận hỗ trợ vì điều đó có thể khiến cơ hội bạn được nhận vào học giảm đi.

Thêm vào đó, do ngân sách eo hẹp, hiện nay một số trường “need-blind” đang cân nhắc để trở thành “need-aware” – có nghĩa là chỉ nhận sinh viên có khả năng chi trả học phí. Grinnell College, một trường đại học đại cương giàu có nhất nước Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ thay đổi chính sách need-blind của mình trong tương lai gần.

Những nguồn hỗ trợ khác

Sau cùng, nếu việc xin học bổng (scholarships) hay hỗ trợ (financial aid) không thành công, bạn vẫn có thể tìm nguồn trợ giúp cho việc học tập của mình qua các khoản vay cho sinh viên (Student loan) hoặc xin làm việc tại trường (Work study). Rất nhiều trường cho sinh viên quốc tế vay sau khi sinh viên đồng ý nhập học và cho phép sinh viên quốc tế làm việc tối đa 20 giờ/tuần trong khuôn viên của trường.

 

      Công ty cổ phần Golden Path Academics Việt Nam

      Trụ sở chính - Hà Nội:
      Địa chỉ: Văn phòng GPA, Lô 10 – 11, Tầng 4, Tháp C, Tòa nhà D2, 144 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội
      Email: duhoc@gpa.vn
      Điện thoại: 090 225 5164

      Kết nối với GPA