Bản sắc cá nhân khi viết luận

Bài luận vô cùng quan trọng vì đây là cơ hội để bạn chia sẻ với trường những gì độc đáo về bạn mà kết quả học tập và điểm thi không nói lên được.

Tháng Giêng năm 2013, Ron Lieber, một cộng tác viên của New York Times, đã tiến hành thu thập bài luận vào đại học của các học sinh các trường trung học với các chủ đề về vấn đề tài chính, giai cấp, việc làm và nền kinh tế. Ông đã nhận được 66 bài và với sự giúp đỡ của Harry Bauld, tác giả nổi tiếng của “On Writing the College Application" họ cùng nhau chọn ra bốn bài xuất sắc nhất và đăng trên trang trực tuyến của thời báo này. Đặc điểm chung của các bài tiểu luận là cách tiếp cận rất mạnh dạn và độc đáo của tác giả với những chủ đề khá nhạy cảm như bản sắc dân tộc hay chính quá trình nộp đơn vào đại học. Giọng văn của các bài luận rất thẳng thắn và tự tin, thể hiện rõ những câu chuyện độc đáo của từng tác giả.

Nguyên tắc đầu tiên của viết luận vào đại học là bạn không bàn về quá trình nộp đơn vào đại học. Tuy nhiên, Julian Cranberg, một học sinh 17 tuổi tới từ Brookline, Massachusetts, đã không hề ngần ngại phá vỡ điều cấm kỵ đó. Anh thẳng thắn đưa ra câu hỏi về chi phí rất lớn các trường bỏ ra đểgửi thư mời cho nhữngsinh viên tiềm năng. “Tại sao, trong một kỷ nguyên mà nợ cho vay sinh viên và tỷ lệ thất nghiệp cao tới mức kỷ lục, các trường đại học lại không tái phân bổ các quỹ không cần thiết để hỗ trợ chính các sinh viên của mình?". Cranberg đã khá táo bạo khi đặt câu hỏi như vậy với chính trường đại học mà anh muốn nộp hồ sơ vào nhưng anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình một cách rất thông minh và hài hước. Cranberg đã được nhận vào Antioch College, trường mà anh viết bài luận này nhưng cuối cùng anh đã chọn Oberlin College.

Bài luận thứ hai được chọn là bài viết của Lyle Li, một học sinh của trường trung học Regis. Anh đã viết về câu chuyện bản thân mình là con trai của một gia đình dân di cư tới Mỹ từ Trung Quốc. Mẹ anh đã từng mơ ước trở thành bác sĩ nhưng bây giờ bà chỉ là một thủ quỹ của nhà hàng. Mỗi năm, trường New York University nhận được rất nhiều bài viết về những trải nghiệm của những người từ các châu lục khác nhập cư vào Hoa Kỳ, tuy vậy, bài luận của Li vẫn nổi bật. Anh đã thể hiện cảm xúc đa dạng và sâu sắc thông qua cách kể chuyện rất độc đáo và riêng biệt của mình. Mỗi chi tiết trong câu chuyện đã miêu tả chân thực và sinh động về cuộc sống gia đình anh, về sự đấu tranh của bản thân, và đặc biệt là tình yêu và sự tôn trọng của anh đối với người – một người phụ nữ mà “mặc lên mình đồng phục làm công với đầy đủ giá trị và nhân phẩm như một nữ doanh nhân thành đạt", người “hết lòng tin rằng mình tương lai của con trai mình là một sự đầu tư xứng đáng." Nhờ có bài luận xuất sắc này, anh Li được nhận vào New York University vào mùa thu tới.

Sinh viên thứ ba trong danh sách là Ana Castro, nữ sinh trung học 18 tuổi đến từ Rensselaer, New York. Trong bài luận nộp vào Hamilton Collge, cô đã kể lại một câu chuyện buồn trong chuyến thăm Cộng hòa Dominica. Ở đó, cha cô không cho phép cô chơi với cậu bé hàng xóm chỉ vì cậu là con nhà nghèo. Kinh nghiệm bản thân này đã thôi thúc cô gia nhập Peace Corps. Castro đã có tuyên bố đầy bất ngờ trong bài luận văn, “Tôi chưa bao giờ cảm thất thực sự một lòng yêu nước đối với bất kỳ quốc gia nào. Tôi không ngay lập tức nghĩ đến sẽ ở lại đây để giúp “đất nước của tôi”, “nhà của tôi”, bởi vì tôi không nghĩ nước Mỹ là nhà của tôi. Trái đất mới thật sự là “nhà của tôi”. Tuyên bố táo bạo này đã chỉ ra sự chân thật trong suy nghĩ của tác giả và chính là điều gây ấn tượng mạnh mẽ với ngài giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính tại trường Hamilton. Ông Bauld đánh giá cao bài viết vì nó “không hề cố tình che giấu bất cứ điều gì." Castro đã thành công với bài luận của mình và sẽ vào học tại Hamilton năm tới.

Bài luận đáng chú ý nhất trong nhóm có lẽ thuộc về Shanti Kumar, học sinh trường trung học Bronx Science, New York. Khi được yêu cầu bình luận về câu nói: “Princeton là dịch vụ của quốc gia và sẵn sàng phục vụ tất cả các quốc gia", cô quyết định viết về chương trình Bridge Year Program của Princeton. Kumar đã bày tỏ mong muốn mạnh mẽ và chân thành để tạo sự khác biệt trong thế giới mà “hầu hết mọi người  ngần ngại nhìn qua các vết nứt trong thế giới tuyệt vời mà họ đang sống và chứng kiến những gì thực sự tồn tại ở bên ngoài sự vui vẻ phù du đó”. Mở đầu bài luận của mình, Kumar đã đặt ra câu hỏi: “Tôi tự hỏi Princeton có nên nghèo hơn so với bây giờ? “, Kumar cho thấy thay vì bị động trả lời câu hỏi đã được đặt ra, cô sẵn sàng đặt câu hỏi ngược lại, để đào sâu hơn, và đưa ra đáp án thú vị nhất cho câu hỏi nhàm chán nhất. Tuy nhiên, trường Princeton đã từ chối hồ sơ của Kumar và ông Bauld cho rằng có thể họ cảm thấy có phần bị xúc phạm bởi bài luận của cô. Cô sẽ nhập học ở Cornell vào năm tới và theo ông Bauld, đó là mất mát của trường Princeton.

Từ những ví dụ trên, một sinh viên có thể viết nên một bài luận xuất sắc từ những gợi ý hữu ích vừa rồi. Bài luận đó có thể bàn về những điều được coi là cấm kị hoặc là đưa ra những bình luận sâu sắc hơn về những chủ đề đã phổ biến. Dù là chọn cách nào thì những bài luận đó cần phải bộc lộ ra lối suy nghĩ sâu sắc và cá tính vô cùng độc đáo của người viết. Cả ba học sinh trên đều không ngần ngại bàn luận về những vấn đề giật gân hay đưa ra những phát biểu gây tranh cãi. Qua đó, các bạn đã thẳng thắn thể hiện được quan điểm cá nhân thông qua những ví dụ và câu chuyện độc đáo và thú vị của mình. Với trường hợp bài luận của Li, mặc dù dựa vào một chủ đề tuy bình thường nhưng anh đã viết ra một câu chuyện với giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế và những chi tiết tuy nhỏ nhưng hấp dẫn người đọc, từ đó làm cho người đọc quan tâm hơn về nhân vật chính trong câu chuyện và mối quan hệ với người mẹ của anh ta. Quan trọng hơn nữa, một bài luận thành công là một bài luận phản ánh được kinh nghiệm cá nhân của người viết trong một bối cảnh lớn hơn thế giới mà anh ta đang sống. Những sinh viên có khả năng khái quát và nâng cao tầm nhìn của mình chắc chắn sẽ được hội đồng tuyển sinh đánh giá cao hơn so với những sinh viên khác.

Nguồn: The New York Times

 

Công ty cổ phần Golden Path Academics Việt Nam

Trụ sở chính - Hà Nội:
Địa chỉ: Văn phòng GPA, Lô 10 – 11, Tầng 4, Tháp C, Tòa nhà D2, 144 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội
Email: duhoc@gpa.vn
Điện thoại: 090 225 5164

Kết nối với GPA