GPA Counseling: Những điều cần biết về College rankings

 

Các nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ từ lâu đã cho rằng gần như không có một thang đo cụ thể nào để đánh giá và so sánh chất lượng thực sự của các trường đại học, đặc biệt về khả năng trang bị kiến thức, tạo động cơ và gây thử thách cho thế hệ trẻ.

 

Các nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ từ lâu đã cho rằng gần như không có một cách đơn giản nào để đánh giá và so sánh chất lượng thực sự của các trường đại học, đặc biệt về khả năng trang bị kiến thức, tạo động cơ và gây thử thách cho thế hệ trẻ.

Đây chính là lý do mà các bảng xếp hạng đại học ở nước này – kể cả những bảng nổi tiếng như U.S. News & World Report – vẫn bị nhiều người chỉ trích. Đây cũng là lý do dù Mỹ có rất nhiều bảng xếp hạng đại học, nhưng chưa bảng nào được xem là chuẩn.

Tuy nhiên, nhiều bảng xếp hạng trường hàng năm vẫn được xuất bản, được nhiều người quan tâm và làm cho học sinh, phụ huynh và những người hỗ trợ các em trong việc chọn trường phải lưu tâm. Vậy thì các bảng xếp hạng này là gì và họ đánh giá trường thế nào?

Chỉ dựa vào tiêu chí gián tiếp

U.S. News được nhiều người biết đến nhất vì nó ra đời cách đây gần 30 năm và đã phát triển thành cả một hệ thống gồm rất nhiều bảng đánh giá. Hàng năm, U.S. News thu thập số liệu từ các trường và phân thành bảy nhóm chính để chấm điểm từ 1 – 100: uy tín của chương trình cử nhân (22,5%); tỷ lệ tốt nghiệp và sinh viên năm thứ nhất không chuyển trường (20%); nhân lực (20%); sự chọn lọc khi tuyển sinh (15%); nguồn lực về tài chính (10%); tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm (7,5%); tỷ lệ cựu sinh viên đóng góp tài chính (5%). Ngoài việc chia nhóm theo khu vực, U.S. News không quan tâm trường nhỏ hay lớn, công hay tư, nằm ở vùng nông thôn hay thành thị… Họ đưa tất cả các thông số vào để tính điểm theo từng mảng, gộp các điểm mảng đó thành một điểm tổng, chia các trường theo khu vực rồi xếp hạng từ cao xuống thấp. Kết quả là, trong một khu vực như “trường quốc gia” thì một trường lớn như Penn State University với 40.000 sinh viên có thể được xếp cùng mục với trường 7.000 sinh viên như Widener University.

Cái khó mà các bảng xếp hạng như U.S. News gặp phải là việc lựa chọn tiêu chí để đánh giá và so sánh trường. Theo các nhà nghiên cứu, hầu như mọi tiêu chí hiện thời đều chỉ mang tính gián tiếp. Ví dụ, một tiêu chí được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phản ánh tốt chất lượng của một trường đại học là “mức độ say mê học hành của sinh viên”. Nhưng tiêu chí này lại rất khó đo đếm. Một tiêu chí nữa cũng chiếm phần quan trọng là đánh giá của các trường về nhau. Hàng năm, ban giám hiệu các trường được U.S. News gửi thư mời yêu cầu đánh giá lẫn nhau. Mặc dù tỷ lệ người trả lời thư mời khá cao, nhiều người cho rằng nếu một hiệu trưởng phải ngồi chấm điểm cho mấy trăm đại học một lúc, thì liệu họ có biết hết các trường hay sẽ nhắm mắt cho điểm bâng quơ?

Ngoài ra, nhiều bảng xếp hạng cũng sử dụng số liệu về ngân sách và đầu tư để đánh giá chất lượng của trường, dù ai cũng biết không cứ càng nhiều tiền được đổ vào sinh viên và cơ sở vật chất thì việc giảng dạy càng tốt. Nói tóm lại, để đánh giá tổng thể hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trường đại học một lúc là rất khó và các bảng xếp hạng có cố đến đâu cũng không thể tìm được phương pháp chuẩn duy nhất.

Không hoàn hảo, sao vẫn dùng?

Có lẽ lý do lớn nhất mà chúng ta nên tìm hiểu về các bảng xếp hạng trường khi du học Mỹ là vì xã hội quan tâm đến nó. Hàng năm, vào thời điểm U.S. News đưa ra bảng xếp hạng mới, trang web này có tới hơn 10 triệu lượt người xem. Xếp hạng trường đã đi sâu vào tâm lý và suy nghĩ của người học, giới chức nhà trường, các gia đình, các nhà kinh doanh cần tuyển nhân viên. Rất nhiều trường đề ra chỉ tiêu cho lãnh đạo là phải nâng cao thứ hạng của trường. Thêm vào đó, tâm lý của sinh viên và gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi các con số, nhất là khi đó là số đứng đầu như top 10, top 25…

Đối với sinh viên quốc tế, xếp hạng giúp chúng ta đánh giá và so sánh các trường khi không biết rõ từng trường và việc sàng lọc thông tin trên mạng trở nên khó khăn và mất quá nhiều thời gian. Ở mỗi nước, xếp hạng có tầm quan trọng khác nhau đối với sinh viên và phụ huynh. Đã có nhiều phụ huynh Việt Nam nói với tôi rằng họ không quan tâm lắm đến xếp hạng, miễn là con vào được trường tốt mà các cháu thích. Trong khi đó ở Trung Quốc, xếp hạng gần như trở thành yếu tố hàng đầu và các bậc phụ huynh đề cao nó tới mức các cán bộ tuyển sinh của những trường đứng hàng 100 trở xuống không biết quảng bá cho trường mình thế nào để được phụ huynh lưu ý.

Tham khảo bảng xếp hạng khi chọn trường không phải là điều không nên làm, nhất là khi bạn đi học thạc sĩ. Nhưng nếu bạn chỉ quan tâm thứ hạng mà không xem xét kỹ lưỡng trường đó có phù hợp với mình không hoặc chương trình mình định học có tốt hay không, thì đó là một sai lầm. Vẫn nên biết đến và tham khảo các bảng xếp hạng, nhưng cần tập trung vào từng chương trình hoặc một khía cạnh nào đó như tài chính, tỷ lệ giáo viên trên học sinh… chứ không nên so sánh tổng thể để tránh so gà với vịt.

 

Công ty cổ phần Golden Path Academics Việt Nam

Trụ sở chính - Hà Nội:
Địa chỉ: Văn phòng GPA, Lô 10 – 11, Tầng 4, Tháp C, Tòa nhà D2, 144 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội
Email: duhoc@gpa.vn
Điện thoại: 090 225 5164

Kết nối với GPA