Quy trình nộp đơn vào các trường Đại học Bắc Mỹ

 

Để nộp đơn thành công, xin được học bổng cũng như khai thác hết các cơ hội tốt nhất, chúng tôi khuyên bạn nên bắt đầu hồ sơ của mình từ học kỳ 2 lớp 11.

Tốt nhất là các bạn nên bắt đầu quá trình nộp đơn, bao gồm từ khi tìm hiểu thông tin cho tới khi xin thị thực du học, trước khoảng 12-18 tháng. 

Nếu bạn bắt đầu muộn hơn, bạn có thể hoàn tất trong vòng 12 tháng trước ngày nhập học. Nhưng bắt đầu muộn cũng đồng nghĩa với việc bạn có ít hơn cơ hội được nhận vào các trường mong muốn hoặc xin được các học bổng. 

Tìm hiểu yêu cầu nhập học

Tìm hiểu từ các trang web tuyển sinh của trường bạn muốn xin vào để biết yêu cầu nhập học dành riêng cho sinh viên quốc tế. Lưu ý rằng các văn phòng tuyển sinh quốc tế có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà bạn không tìm được câu trả lời qua trang web. Đừng ngại liên hệ với họ qua email, facebook hay gọi điện thẳng tới trường.

Các điểm thi phải nộp

Nếu bạn định nhập học vào học kỳ mùa thu (tháng 9), bạn phải hoàn thành các bài kiểm tra yêu cầu (TOEFL/IELTS và SAT) muộn nhất vào tháng 1. Lưu ý rằng hạn cuối đăng ký có thể vào khoảng 5-6 tuần trước ngày thi, kết quả kiểm tra của bạn phải được gửi đến trường trước ngày hạn chót nộp đơn và quá trình này sẽ kéo dài ít nhất  4-6 tuần từ ngày thi cho tới ngày nộp đơn. Bên cạnh TOEFL hoặc ELTS, và SAT, bạn cần xác nhận với trường xem có cần thi SAT Subject hay không. Hãy nhớ rằng SAT và SAT subject  không thể thi trong cùng một ngày.

Cách điền và nộp đơn

Nhiều trường yêu cầu cùng một nội dung thông tin nhưng cách trình bày khác nhau, do đó bạn cần đọc chỉ dẫn một cách cẩn thận. Các mục sau đây thường được yêu cầu:

1) Các mẫu đơn

  • Tạo ấn tượng tốt bằng cách trình bày nội dung đơn gọn gàng và rõ ràng, sử dụng phần mềm gõ chữ, trừ khi được yêu cầu điền đơn bằng tay.
  • Trình bày thông tin cá nhân một cách nhất quán và viết tên mình theo thứ tự đồng nhất trong tất cả các giấy tờ.
  • Điền thông tin của mình trong khoảng trống được cung cấp và chỉ nên sử dụng trang bổ sung khi thực sự cần thiết.
  • Tránh viết tắt, nên sử dụng tên đầy đủ khi đề cập đến các trường học, các giải thưởng, địa chỉ, kỳ thi, vv.
  • Cung cấp thông tin về giáo dục và kinh nghiệm làm việctheo thứ tự hợp lý được hướng dẫn
  • Nêu rõ nguyện vọng về thời gian nhập học, cấp độ (vào học năm đầu hay chuyển tiếp), và loại chứng chỉmà bạn muốn theo học. 
  • Nếu được hỏi về số an sinh xã hội (Social Security Number), bạn có thể điền “không" hoặc theo chỉ dẫn nếu bạn không có thông tin này.

2) Lệ phí nộp đơn

Hầu hết các trường yêu cầu bạn nộp lệ phí xử lý hồ sơ (không hoàn lại) và phải được thanh toán bằng đô la Mỹ dưới hình thức séc do ngân hàng Mỹ phát hành, lệnh chuyển tiền quốc tế hoặc thẻ tín dụng. Bạn nên xem trên trang web của trường. Phí nộp đơn thường từ 35 đến 100 đô, song cũng có nhiều trường miễn phí này. Đây là danh sách các trường không yêu cầu sinh viên nộp lệ phí khi nộp hồ sơ.

3) Bằng và các chứng nhận học thuật

  • Các trường sẽ yêu cầu bạn nộp học bạ. Học bạ cần phải là bản sao chính thức có dịch công chứng.
  • Đối với sinh viên quốc tế, nhà trường cũng có thể yêu cầu chính giáo viên của bạn điền thông tin vào đơn giới thiệu (school report).
  • Nhà trường cũng có thể yêu cầu giải thích về hệ thống chấm điểm và xếp hạng của trường học hiện tại của bạn.
  • Nếu trường yêu cầu phải có đánh giá học bạ (Xin đọc bài của Golden Path Guide về credential evaluation), họ sẽ nói rõ trên trang web của trường.
  • Ngoài bảng điểm, các trường thường yêu cầu bạn nộp thêm bản sao văn bằng và chứng chỉ, kết quả kỳ thi cuối cùng, điểm các kỳ thi quốc gia, v.v.

Cần lưu ý rằng chỉ nên gửi bản sao có công chứng (có xác nhận của trường hoặc cơ quan có thẩm quyền) chứ không phải là bản gốc vì có thể những giấy tờ này sẽ không được hoàn trả.

4) Gửi điểm thi đến các trường

  • Bạn cần biết tên và mã số của trường đại học/cao đẳng mà bạn muốn xin vào khi đăng ký thi SAT, SAT Subject, TOEFL, IELTS và các bài thi khác để kết quả thi của bạn được gửi trực tiếp đến các trường này (tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc yêu cầu gửi kết quả thi vào thời điểm sau đó). Nạp mã trường vào tài khoản của bạn khi đăng ký thi.
  • Bạn cũng có thể gửi bản sao kết quả điểm thi của bạn cùng với các giấy tờ khác trong bộ hồ sơ đăng ký để các trường dễ dàng so sánh khi họ nhận được báo cáo điểm thi chính thức và có thể xử lý hồ sơ của bạn nhanh hơn.

5) Bài luận cá nhân

Cán bộ tuyển sinh thường sử dụng bài luận cá nhân của bạn cho các mục đích sau: a) Để có được một cái nhìn sâu sắc về cá nhân sinh viên; b) Để đánh giá liệu sinh viên có thể đóng góp gì cho nhà trường; c) Để tìm hiểu xem liệu nhà trường có thể đáp ứng nhu cầu của sinh viên; d) Để đánh giá kỹ năng viết luận của sinh viên, khả năng tổ chức và học tập, sự trưởng thành và ham học hỏi của sinh viên, lý do sinh viên đăng ký theo học tại trường, và chuyên ngành sinh viên muốn theo đuổi. 

Sau đây là lời khuyên chung khi viết bài luận:

  • Tập trung trả lời câu hỏi mà bài luận đưa ra.
  • Tập trung vào các sự kiện mà bạn nhớ rõ vì trong một bài luận, chi tiết là vô cùng quan trọng.
  • Nhờ người khác đọc lại bài luận của bạn, tìm ra các lỗi ngữ pháp và lỗi chính tả.
  • Nói sự thật và trung thực, đừng chọn một chủ đề chỉ để thể hiện điểm tốt của bản thân.
  • Tự viết bài luận của mình, cán bộ tuyển sinh có thể dễ dàng phân biệt những bài luận trung thực với các bài luận giả mạo
  • Hãy dành nhiều thời gian để viết, đừng trì hoãn và viết vào đêm cuối cùng trước hạn nộp.

6) Mẫu đơn và thư giới thiệu

Thông thường nhà trường yêu cầu ít nhất hai thư giới thiệu. Bạn nên lựa chọn những người có thể nhận xét về quá trình học tập, làm việc của bạn, đánh giá về khả năng phát triển của bạn trong môi trường đại học. Một số trường đại học yêu cầu người giới thiệu điền vào mẫu đơn đã được chuẩn bị sẵn.

Sau đây là một vài điểm cần lưu ý về thư giới thiệu:

  • Thư giới thiệu chiếm một phần quan trọng trong hồ sơ, vì vậy hãy nói với người viết thư kế hoạch học tập và thông tin về trường.
  • Người giới thiệu của bạn cần phải ký tên niêm phong trên phong bì đựng thư giới thiệu.
  • Nếu thư giới thiệu được yêu cầu gửi trực tiếp, bạn cần cung cấp cho họ phong bì có đính kèm tem và địa chỉ và thời gian chuẩn bị dài trước hạn.

7) Chứng minh tài chính

Hầu hết các hồ sơ dự tuyển cần bao gồm một “Thư cam kết hỗ trợ tài chính" hoặc “Cam kết và chứng nhận tài chính" có chữ ký của cha mẹ bạn hoặc người tài trợ chi phí giáo dục, kèm theo xác nhận số dư tài khoản ngân hàng. Các giấy tờ này cũng được yêu cầu nộp trong hồ sơ xin thị thực du học, vì vậy bạn cần nhớ giữ một bản. Hầu hết các trường đại học muốn thấy bằng chứng rằng ít nhất các chi phí giáo dục cho năm học đầu tiên của bạn sẽ được đảm bảo, mặc dù một số trường khác yêu cầu bằng chứng về hỗ trợ tài chính (thu nhập, vv) trong suốt thời gian bạn tham gia chương trình học. 

8) Phỏng vấn sinh viên quốc tế

Một số trường phỏng vấn sinh viên quốc tế. Thông thường, trường đại học sẽ sử dụng các sinh viên đã tốt nghiệp của mình hiện đang cư trú tại các quốc gia sở tại để phỏng vấn các ứng viên. Mặc dù sinh viên quốc tế không gặp bất lợi gì nếu không tham gia phỏng vấn, nhưng nếu trường có chương trình phỏng vấn ở thành phố của bạn, nên tranh thủ cơ hội này để tìm hiểu thêm về trường.

Liên hệ với Golden Path Academics để lên lịch một buổi phỏng vấn thử!

 

Công ty cổ phần Golden Path Academics Việt Nam

Trụ sở chính - Hà Nội:
Địa chỉ: Văn phòng GPA, Lô 10 – 11, Tầng 4, Tháp C, Tòa nhà D2, 144 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội
Email: duhoc@gpa.vn
Điện thoại: 090 225 5164

Kết nối với GPA