TƯƠNG LAI CỦA DU HỌC SINH VIỆT NAM TRONG XÃ HỘI “ĐỒNG TIỀN”

Theo dòng sự kiện bê bối tuyển sinh Đại học Mỹ những ngày qua

Khi quá trình tuyển sinh Đại học Mỹ, đặc biệt là các ngôi trường danh giá, trở thành một món hàng có thể mua bán, đồng tiền liệu có đủ mãnh lực thay thế những cố gắng thực sự???

Ngày 12/3, Toà án Liên bang Mỹ đã công bố các bản cáo trạng liên quan tới vụ bê bối giáo dục, được cho là vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất trong lịch sử từng bị truy tố. Gần 50 người bị buộc tội, trong đó bao gồm nhiều diễn viên Hollywood, CEO, huấn luyện viên thể thao các trường đại học danh giá.

Ivy League – ước mơ danh giá về những ngôi trường đại học “xuất chúng” nhất nước Mỹ?

Nhắc đến Ivy League, chúng ta biết đến hình ảnh về 8 ngôi trường đại học nổi tiếng với hệ thống triết lí giáo dục và chất lượng đào tạo hàng đầu nước Mỹ. Bởi lẽ đó, không ngạc nhiên khi mỗi mùa tuyển sinh, những ngôi trường này thu hút một lượng không nhỏ hồ sơ từ các sinh viên tài năng và có trình độ học tập xuất sắc. Sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường thuộc hệ thống Ivy League thường được biết đến như những nhà lãnh đạo tài ba tại nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới.

Thế nhưng, ước mơ về những ngôi trường danh giá có phải bình đẳng cho tất cả sinh viên? Còn nhớ cách đây vài năm, bài báo mang tên “Đừng gửi bọn trẻ của bạn tới các trường Ivy League” do chính một vị giáo sư Đại học Yale, William Deresiewicz, đã đưa ra những góc nhìn trần trụi nhất về xu hướng tuyển sinh và học tập tại hệ thống Ivy League. Sự thật rằng, những ngôi trường “xuất chúng” kia không thực chất hoàn toàn dành cho những sinh viên thực sự xuất chúng, minh chứng rõ nhất ở sự thiếu bình đẳng trong giai cấp và kinh tế gia đình của các sinh viên học tập tại đây. “Trong thực tế, các trường trung học và đại học nổi tiếng ở Mỹ luôn giữ chỗ cho con cái của những người họ “mang nợ" từ tài trợ (donors), bảo trợ (sponsors), học sinh có tài năng thể thao (sports scholarship), học sinh từ những gia đình có bố mẹ đã từng học ở trường (legacy). Cơ hội cho học sinh giỏi đến từ các gia đình không có nguồn lực từ vị trí xã hội hay tài chính vì thế mà giảm đi so với thực tế, và còn giảm đi nhiều hơn nữa đối với sinh viên quốc tế.”, chia sẻ của chị Đào Thu Hiền, tổng giám đốc Golden Path Academics Vietnam.

Và dù vẫn có những ngoại lệ, vẫn có sự đa dạng trong sắc tộc, tài năng, tính cách sinh viên, nhưng thực tế, công đoạn tuyển sinh của các trường danh giá đã luôn dành sự ưu ái lớn hơn cho những gia đình giàu có. Ngay từ khi sinh ra, những đứa trẻ ấy đã được dọn sẵn đường để tới Ivy League, từ việc được trang bị các hoạt động thể thao, những trải nghiệm xã hội, cho đến những số tiền khổng lồ được đầu tư vào việc chuẩn bị hồ sơ. Có câu nói đùa rằng, SAT không chỉ là công cụ đánh giá năng lực học tập, mà còn là cách đo thu nhập cha mẹ.

Vụ bê bối giáo dục – phẫn nộ nhưng không quá bất ngờ

Việc các diễn viên nổi tiếng, những huấn luyện viên đại học hàng đầu và nhiều cá nhân khác trong giới nhà giàu bị buộc tội tham gia hối lộ tuyển sinh đại học, tuy là một vụ bê bối giáo dục gây rúng động không chỉ ở riêng phạm vi nước Mỹ, nhưng thực chất không đem lại quá nhiều bất ngờ. Dư luận xã hội có quyền phẫn nộ, nhưng cũng cần thực tế nhìn nhận việc mua bán lợi thế tuyển sinh xảy ra mỗi mùa nộp hồ sơ có cả một ngành công nghiệp sẵn sàng hỗ trợ phía sau. Vẫn đang tồn tại những gói luyện thi lên đến $200 cho một giờ học cùng các gia sư luyện thi vào Ivy League, hay những con số lớn hơn rất nhiều lần cho việc “hỗ trợ” hoặc viết hộ bài luận. Đối lập với những lá thư nhập học có thể được mua bằng các khoản đóng góp cho trường của giới nhà giàu, có những ứng viên thậm chí phụ huynh không đủ khả năng đọc giúp bài luận để soát lỗi, hay cách duy nhất để tăng điểm thi là liên tục luyện đề.

Nhìn nhận thẳng thắn, việc tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có chuyên môn để chinh chiến trong mỗi mùa tuyển sinh đại học không có gì là sai, nếu như tất cả hoạt động trên nguyên tắc “học thật – làm thật – thành công thật”.  

Chia sẻ từ chính kinh nghiệm 15 năm học tập và sinh sống tại Mỹ, tốt nghiệp với hai tấm bằng cử nhân và thạc sĩ từ Columbia University và Harvard University, chị Hiền cho biết câu hỏi mà chị nhận được nhiều nhất không phải mình đã nỗ lực thế nào để có cơ hội học tập tại hai ngôi trường Ivy League, mà là gia đình có xuất thân danh giá đến đâu mới có thể hỗ trợ cho con theo học. Đi từ sự ngạc nhiên ban đầu, chị Hiền sau đó dần nhận ra, cái tư tưởng mà ngạn ngữ Việt miêu tả “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” vẫn ăn sâu trong tiềm thức nhiều người, kể cả ở nước phát triển như Mỹ.

Vụ bê bối tuyển sinh có thể gây ra những tổn thương sâu sắc, nhất là tới thế hệ trẻ yếu thế trong xã hội, như một thông điệp gián tiếp về sự thiếu công bằng, dù bạn có nỗ lực và chăm chỉ đến đâu, những người có tiền sẽ luôn có thể “mua” được một cuộc sống tốt hơn bạn.

Nhưng có thực, đồng tiền có đủ mãnh lực mua được mọi thứ???

Câu trả lời chắc chắn là không. Đồng tiền có thể giúp mua được vài chục điểm trong bài thi SAT, nhưng không đổi lại được bằng trí tuệ và tư duy thực sự. Đồng tiền có thể đem đến một bài luận hào nhoáng thu hút bất kì một hội đồng tuyển sinh nào, nhưng không đem lại những trải nghiệm hữu ích và những giá trị chân thật nhất của một ứng viên. Đồng tiền có thể đem đến một vị trí yên ổn trong một ngôi trường Ivy League, nhưng không đem lại được hạnh phúc trong việc khám phá và kiếm tìm tri thức trong tương lai.

Thế đấy, dù chúng ta không thể luôn đòi hỏi sự công bằng trong xã hội, nhưng cũng đừng mất niềm tin rằng, với mỗi một quyết định được đưa ra sẽ luôn có những cái giá phải đánh đổi, và trong nhiều trường hợp, sự đánh đổi ấy không đem lại hạnh phúc. Chia sẻ quan điểm của mình về vụ bê bối giáo dục này, chị Hiền đưa ra lời động viên với các bạn học sinh Việt Nam đang trên đường chinh phục giấc mơ Mỹ của mình: “Sự kiện gần đây cho thấy con đường để vào các trường danh giá luôn có những rào cản, dù cho đó là sự tồn tại những bất công hay thậm chí những hành vi vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội. Nhưng không vì lẽ đó mà các em học sinh cho rằng cơ hội vào được những trường đại học hàng đầu là không tưởng. Hay phải vào được những trường đại học hàng đầu mới có một nền giáo dục chất lượng và giúp các em thành công. Hãy xác định mục tiêu cho bản thân, tập trung vào học tập và phát triển mình, theo đuổi những gì mình đam mê, tìm cho mình một môi trường tốt nhất nhưng phù hợp nhất, và làm mọi việc tốt nhất có thể. Cơ hội và một cuộc sống hạnh phúc sẽ chờ đón các em”.

Bất kì một đứa trẻ nào cũng có ấp ủ giấc mơ về ngôi trường Ivy League, nhưng cái chúng ta cần hướng đến không nhất thiết là một xã hội nơi mọi đứa trẻ đều có cơ hội bình đẳng vào Ivy League. Thay vào đó, cái chúng ta thực sự cần là một xã hội mà bạn không nhất thiết phải vào Ivy League hay một trường tư danh giá nào để nhận được sự giáo dục hàng đầu. Cánh cửa du học Mỹ vẫn luôn rộng mở, và có hàng ngàn giấc mơ không nằm ở Ivy Leauge.

Chỉ cần bạn muốn có được những trải nghiệm đại học giúp mở mang trí óc và làm giàu tâm hồn, chỉ cần bạn đủ chăm chỉ và tài năng, bạn biết đấy, giấc mơ Mỹ vẫn luôn dành cho bạn.

      Công ty cổ phần Golden Path Academics Việt Nam

      Trụ sở chính - Hà Nội:
      Địa chỉ: Văn phòng GPA, Lô 10 – 11, Tầng 4, Tháp C, Tòa nhà D2, 144 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội
      Email: duhoc@gpa.vn
      Điện thoại: 090 225 5164

      Kết nối với GPA