Hệ thống bảng điểm và lịch học tại các trường ở Mỹ

 

Có khá nhiều những điểm khác biệt cơ bản giữa hệ thống sắp xếp lịch học, khóa học, các hệ thống tín chỉ và chấm điểm tại Mỹ so với tại Việt Nam. Đây là một trong những lý do khiến cho rất nhiều du học sinh đã bị “sốc" sau khi học tập một thời gian tại đất nước “xứ cờ hoa". Bài viết sau đây sẽ nêu lên những điểm khác biệt cũng như một số lời khuyên dành cho các bạn học sinh đang chuẩn bị đặt chân tới nước Mỹ.

 

Lịch học

Năm học bắt đầu từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 5 với ngày cụ thể khác nhau tùy theo từng trường. Tại hầu hết các trường, năm học được chia thành hai học kỳ kéo dài 16 – 18 tuần, trong khi tại một số trường khác, năm học được chia thành 3 hoặc 4 học kỳ, với mỗi học kỳ kéo dài khoảng 10 – 12 tuần. Nhiều trường cho phép sinh viên chọn học 4 – 8 tuần mùa hè, hay còn được gọi là học kỳ mùa hè. Đây là lựa chọn dành cho những sinh viên muốn hoàn thành chương trình học nhanh hơn, hoặc giảm tải chương trình học trong năm, hoặc học bù cho những môn chưa hoàn thành. Trong năm học có ít nhất hai kỳ nghỉ chính: 2 – 4 tuần nghỉ đông từ tháng 12 đến tháng 1 và kỳ nghỉ 1 tuần vào tháng 3 hoặc tháng 4 hay còn được gọi là nghỉ xuân.

Các khóa học

Các môn học trong khóa học có thể được chia thành vài nhóm, bao gồm nhóm môn học đại cương, nhóm môn học chính, nhóm môn học phụ và nhóm môn học tự chọn. Môn học đại cương là nền tảng của bất kỳ chương trình đại học nào và là bắt buộc với tất cả các sinh viên. Nhóm này bao gồm các môn học rất đa dạng từ toán học, nhân văn, khoa học vật lý, khoa học xã hội, nghệ thuật, cho đến tiếng Anh. 

Số lượng yêu cầu của các môn học đại cương khác nhau tùy theo từng trường. Một nhóm môn học khác chiếm phần lớn chương trình học của sinh viên là nhóm môn học chính. Nhóm này bao gồm các môn học liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành mà sinh viên đã chọn. Khoảng 1/4 đến 1/2 các môn yêu cầu trong chương trình học của sinh viên là môn học chính. 

Ngoài nhóm các môn học đại cương và môn học chính còn có nhóm các môn học phụ, xoay quanh lĩnh vực mà sinh viên chọn làm chuyên ngành thứ hai. Số lượng yêu cầu của các môn học phụ bằng khoảng một nửa số lượng yêu cầu của các môn học chính. Cuối cùng là nhóm các môn học tự chọn, bao gồm những môn học mà sinh viên có thể chọn từ bất kỳ chuyên ngành nào. Những môn học này cho phép sinh viên khám phá những lĩnh vực khác mà họ quan tâm.

Hệ thống “tín chỉ” – credit

Mỗi môn học mô tả ở trên được tính điểm dựa trên số tín chỉ  (tiếng Anh gọi là credit). Biết được điều này là rất quan trọng vì các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ tuân theo hệ thống tín chỉ riêng. Để hoàn thành bằng cấp của mình, sinh viên phải tích lũy một số lượng tín chỉ  nhất định được quy định bởi trường thông qua các môn họ theo học. Nếu đến cuối chương trình mà bạn chưa đủ tín chỉ  thì sẽ không được tốt nghiệp và phải “trả nợ”. Vì vậy nên theo dõi yêu cầu của nhà trường và làm đủ.

Đối với mỗi môn học, các trường đại học sử dụng một hệ thống tính điểm để đánh giá mức độ thành công của sinh viên trong môn học đấy. Hầu như tất cả mọi thứ sinh viên thể hiện trong môn học đó đều ảnh hưởng đến điểm số cuối cùng. Những thứ này bao gồm bài kiểm tra, bài luận, mức độ tham gia phát biểu trong giờ học, điểm danh, giải các câu đố, bài tập dưới dạng viết, công việc trong phòng thí nghiệm, thuyết trình, v.v., và trong trường hợp chuyên ngành là âm nhạc hay nghệ thuật, thì bao gồm biểu diễn và thuyết trình nghệ thuật. Điều này có nghĩa rằng việc hoàn thành các bài tập, đọc tài liệu được giao và tham dự lớp học đầy đủ là vô cùng quan trọng cho sự thành công của sinh viên đối với khóa học, cũng như đạt được số tín chỉ của khóa học đó. 

Cách tính điểm GPA

Nhìn chung, thang điểm cho các môn học là: A = 90-100%, B = 80-89%, C = 70-79%, D = 65-69% và F = 0-64%. Sau khi hoàn thành mỗi kỳ hoặc năm học, sinh viên sẽ có điểm quy đổi trung bình (tiếng Anh gọi là Grade Point Average hay viết tắt là GPA). Còn sau khi hoàn thành cả chương trình học, sinh viên sẽ có điểm tổng kết quy đổi trung bình. Điểm quy đổi tương ứng với điểm bằng chữ như sau:  A = 4 điểm, B = 3 điểm, C = 2 điểm, D= 1 điểm và F = 0 điểm. Để tính điểm quy đổi cho một môn học, sinh viên phải lấy số điểm quy đổi tương ứng với điểm chữ mình nhận được nhân với số tín chỉ của môn học đó. Để tính điểm tổng kết trung bình, sinh viên phải lấy tổng điểm quy đổi của tất cả các môn học đã hoàn thành chia cho tổng số tín chỉ của tất cả các môn học đó. Ví dụ:

Sinh học 101             Tín chỉ = 3            Điểm = A             Điểm quy đổi = A(4) x 3=12

Sinh học (lab)            Tín chỉ = 1           Điểm = B             Điểm quy đổi = B(3) x 1=3

Tiếng Anh101            Tín chỉ = 3           Điểm = C            Điểm quy đổi = C(2) x 3=6

Điểm quy đổi trung bình = (12+3+6) / (3+1+3) = 3.0

Ngoài ra, một số trường còn trao bằng danh dự. Để hội đủ điều kiện nhận bằng danh dự, tùy theo yêu cầu của từng trường, sinh viên có thể phải học thêm tín chỉ, tham gia một kỳ thi toàn diện hoặc viết luận văn về lĩnh vực chuyên ngành của họ.

Xin tham khảo thêm trên trang: www.back2college.com/gpa.htm

 

Công ty cổ phần Golden Path Academics Việt Nam

Trụ sở chính - Hà Nội:
Địa chỉ: Văn phòng GPA, Lô 10 – 11, Tầng 4, Tháp C, Tòa nhà D2, 144 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội
Email: duhoc@gpa.vn
Điện thoại: 090 225 5164

Kết nối với GPA