PR bản thân:

dễ hay khó? (P1)

Cô Lê Kim Dung

 (Từ góc nhìn của một tư vấn viên viết luận, một giáo viên, và một phụ huynh)

– Đối tượng? Những học sinh đang hướng tới một chỗ ngồi trong những ngôi trường đại học danh tiếng của Mỹ. Những phụ huynh mong muốn được đồng hành cùng con trên hành trình chinh phục. Và những học sinh không mơ ước cao, nhưng tò mò muốn khám phá bản thân.

– Nội dung? Những điều cần có và cần biết để viết một PS.

Đối với một học sinh đang tìm kiếm cơ hội vào học một ngôi trường đại học danh tiếng của Mỹ  thì một trong những mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh toàn cảnh về bạn chính là ‘bài luận cá nhân’ (như tên gọi tiếng Việt), hay như hầu hết những người dính dáng đến nó thường vẫn giữ nguyên cụm từ tiếng Anh ‘personal statement’. Cá nhân tôi, không hài lòng với cách gọi tiếng Việt, nhưng cũng không tìm được từ nào hơn để lột tả đúng bản chất của bài viết, nên cứ xin giữ và viết tắt là PS.

  1. PS là gì?

                                a PS = a story identity

Điều đó có nghĩa: i) nó là một câu chuyện về bản thân bạn; ii) câu chuyện đó chính là tấm thẻ căn cước trong hồ sơ xin học, khiến ban tuyển sinh không lẫn lộn bạn với bất kì ai khác.

  1. Tại sao cần PS?

Để thuyết phục trường đại học rằng bạn là người xứng đáng được nhận vào học, được trao một trong số những học bổng ít ỏi của trường. Trong một số trường hợp nó có thể là cứu cánh cho những bộ hồ sơ hơi ‘nhẹ kí’ về thành tích văn hóa và hoạt động cộng đồng. Bài PS chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, giúp hội đồng cấp học bổng, dù không gặp mặt, vẫn có thể nhìn ra được, cảm nhận được một cách sống động nhất, rõ ràng nhất con người thực của bạn. 

Câu hỏi quan trọng đầu tiên: “Mình đã sẵn sàng cho bài PS chưa?”

Để bắt đầu, mời bạn nhìn quanh nhà và chọn ra một đồ vật bất kì mà bạn thường xuyên sử dụng, và có phần yêu thích. Hãy đặt vật đó trước mặt và hình dung: mình đói đã hai ngày, mình cần ăn, mình phải bán bằng được đồ vật này để kiếm gì cho vào bụng. Đây là việc sống còn với mình. Vậy bạn sẽ nói gì, làm gì để thuyết phục những người đang vội vã đi ngang đường mua nó?

Tôi cho bạn mười phút để gẩy ra một danh sách những thứ tốt đẹp mà bạn tìm thấy trong món hàng đó. Tôi cho bạn gấp hai lượng thời gian để bạn chọn lọc, giữ lại hai, ba điểm nổi bật nhất để trình làng. Và điểm then chốt cuối cùng: bạn cần thiết kế cách thức mà bạn sẽ thực hiện toàn bộ việc quảng cáo, chào hàng, nơi bạn sẽ đứng, và cả bộ dạng của bạn… sao cho bắt mắt, gợi cảm, độc đáo, và thú vị… đủ khiến những kẻ đi ngang phải dừng lại, cho tay vào túi, và móc ra số tiền mà bạn cần. Công việc cuối cùng này, theo bạn, cần bao lâu?

Nếu bạn bán món hàng đó thành công, tức là bạn đã biết về tiếp thị. 

Tiếp theo mời bạn hãy chuyển từ bài toán tiếp thị hàng hóa sang bài toán tiếp thị bản thân.

Tôi cho bạn ba phút để chuẩn bị một bài giới thiệu về bản thân mình trong một phút nói. 

Nếu bạn cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn, điều đó chứng tỏ bạn chưa thật hiểu rõ về mình.

Nếu bạn nói quá một phút, điều đó chứng tỏ bạn chưa biết chắt lọc những chi tiết ‘đắt’ nhất của mình.

Nếu bạn chép lời giới thiệu đó lại rồi đưa cho bố mẹ hoặc một người bạn thân của bạn mà người đó ko nhận ra đây là bản chân dung tự họa của bạn thỉ rõ ràng bạn đã cầm nhầm thẻ căn cước của người khác.

Nếu cả ba cái “Nếu…” trên đều đúng với bạn thì chứng tỏ bạn chưa sẵn sàng cho bài PS.

Viết một bài PS chính là làm công việc tiếp thị, TIẾP THỊ BẢN THÂN cho các vị giáo sư trong một môi trường học thuật cao, để nhận suất học bổng trị giá tiền tỉ. 

Không còn là món tiền lẻ cho một bữa ăn nữa, mà là món tiền tỉ cho triệu bữa ăn, cho nghìn kiến thức, và cho trăm cơ hội. Có đáng để bạn tìm hiểu ko?

Bài tiếp theo: Chọn đúng câu chuyện để kể, và kể đúng điều cần kể.

Công ty cổ phần Golden Path Academics Việt Nam

Trụ sở chính - Hà Nội:
Địa chỉ: Văn phòng GPA, Lô 10 – 11, Tầng 4, Tháp C, Tòa nhà D2, 144 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội
Email: duhoc@gpa.vn
Điện thoại: 090 225 5164

Kết nối với GPA